Bối cảnh hòa thân Cố Luân Khác Tĩnh Công chúa

Trong suốt chiều dài thống trị của nhà Thanh, triều đình đều giữ mối quan hệ thân mật cùng Mông Cổ. "Quan hệ thông gia" là chính sách dụ dỗ mà những người cầm quyền ưa thích nhất. Mãn - Mông liên hôn ở triều Thanh cùng những triều đại trước cũng có sự khác biệt rất lớn, là một loại cưỡng chế có liên quan đến chế độ chính trị. Quan hệ thông gia này, đối với phía Bắc Trung Quốc có hai đại dân tộc dũng mãnh gan dạ, đối với Thanh triều muốn thống trị biên giới với Mông Cổ, đều có tác dụng rất lớn. Trong 12 vị Hoàng Đế của nhà Thanh, ngoại trừ Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống không có hậu duệ, còn lại đều có con gái gả đến Mông Cổ, nhân số nhiều nhất là vào thời Hoàng Thái Cực. Số lượng đạt đến 10 vị Công chúa hoàng thất (trong đó 7 vị có phong hiệu chính thức từ Hòa Thạc Công chúa trở lên), trở thành Công chúa hòa thân trong mối quan hệ Mãn - Mông liên hôn. Theo thống kê, trong suốt chiều dài lịch sử 300 năm, có tất cả 432 Công chúa và Cách cách nhà Thanh gả cho các vương công Mông Cổ và có 163 Cách cách Mông Cổ được gả cho Tông thất nhà Thanh[11].

Đương thời, Mông Cổ phân thành 3 bộ phận Mạc Nam, Mạc Bắc và Mạc Tây. Mạc Nam Mông Cổ chính là Nội Mông, cũng là khu vực thiết lập quan hệ thân mật với Thanh triều sớm nhất. Mạc Tây chính là Ngạch Lỗ Đặc Mông Cổ, chính là nơi của Cát Nhĩ Đan. Còn lại Mạc Bắc chính là Ngoại Mông ngày nay, cũng là Khách Nhĩ Khách Mông Cổ mà Khác Tĩnh Công chúa gả đến. Khách Nhĩ Khách Mông Cổ ban đầu là một bộ phận tương đối độc lập, do Thổ Tạ Đồ hãn bộ, Trát Tát Khắc Đồ hãn bộ, Xa Thần hãn bộ cùng Tái Âm Nặc Nhan bộ tạo thành, bộ tộc thủ lĩnh xưng "Hãn vương".

Năm Khang Hi thứ 26 (1687), do sự quấy nhiễu của Cát Nhĩ Đan, Thổ Tạ Đồ hãn tiên phong suất toàn Bộ quy phụ nhà Thanh, sau đó, các bộ Khách Nhĩ Khách khác cũng lần lượt theo sau. Làm cho toàn bộ Ngoại Mông được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà Thanh, đồng thời mở màn cho mỗi quan hệ thông gia giữa Thanh triều và Ngoại mông[12].

Theo ghi chép của Thanh sử cảo, "Thổ Tạ Đồ hãn bộ vốn đứng đầu trong bốn bộ của Khách Nhĩ Khách, trong là Triết Bố Tôn Đan Ba ở Tích Khố Luân, bên ngoài tiếp giáp Nga La Tư, lại có Kháp Khắc Đồ Hỗ thị, địa thế hiểm yếu, xưng là hùng cứ"[13]; có thể thấy được tầm quan trọng của bộ tộc này. Sau khi Khách Nhĩ Khách quy phụ nhà Thanh, Khang Hi Đế muốn lung lạc thủ lĩnh Thổ Tạ Đồ Hãn mà vào năm Khang Hi thứ 30 (1691), nhân Đa Luân hội Minh[Chú 8][Chú 9][14], Khang Hi Đế đã phong con trai của Thổ Tạ Đồ hãn Sát Hồn Đa Nhĩ Tể là Cát Lặc Đan Đa Nhĩ Tể làm Đa La Quận vương; năm sau thì Cát Lặc Đan Đa Nhĩ Tể qua đời liền do con trai trưởng là Đôn Đa Bố Đa Nhĩ Tể tập tước Trác Tát Khắc Đa La Quận vương, chính là Ngạch phò của Khác Tinh Công chúa.

Có học giả căn cứ theo Thanh Thánh Tổ thực lục: "Năm Khang Hi thứ 34, tháng 8, Ất Mão, ban thưởng y phục mũ mão vải vóc các loại cho Triết Bố Tôn Đan Ba Hô Đồ Khắc Đồ, Thổ Tạ Đồ hãn Đa La Quận vương Đôn Đa Bố Đa Nhĩ Tể"[15] mà cho rằng lần đầu tiên Đôn Đa Bố Đa Nhĩ Tể gặp được Khang Hi là vào năm Khang Hi thứ 34 (1695). Năm Càn Long thứ 8 (1743), ngày 5 tháng 4, Đôn Đa Bố Đa Nhĩ Tể qua đời, thọ 68 tuổi, trong di ngôn để lại là "nhận được thánh ân từ năm 16 tuổi"[16], theo tính toán thì năm 16 tuổi này vừa trùng khớp với năm mà ông được tập tước Đa La Quận vương. Kết hợp giữa bối cảnh chính trị của Thổ Tạ Đồ Hãn bộ và thân phận Trát Tát Khắc Đa La Quận vương của bản thân Đôn Đa Bố Đa Nhĩ Tể là nguyên nhân căn bản mà ông trở thành người được tuyển làm Ngạch phò. Nhiều năm sau, việc chính thức quyết định hôn sự này, đều là nhờ Hoàng thái hậu dứt khoát giải quyết. Việc Khang Hi tìm cách bố trí hôn sự của Công chúa ngay trên đường trở về triều có thể do hai nguyên nhân chính, một là nhân dịp đại thắng Cát Nhĩ Đan lần thứ ba mà tổ chức hôn lễ, ý nghĩa cát tường; hai là những người đứng đầu Thổ Tạ Đồ Hãn bộ đến bái kiến Khang Hi, dễ dàng cho việc thảo luận hôn sự trực tiếp. Sau khi hôn sự được quyết định, Đôn Đa Bố Đa Nhĩ Tể liền bắt đầu đi về phía nam, sau khi nghênh đón Khang Hi Đế ở tái ngoại vào tháng 8 năm đó thì đến Kinh thành để thành hôn.

Theo quy chế của nhà Thanh, sau khi các công chúa xuất giá, từ địa phương du mục quay về kinh thành, thời gian ở lại trong kinh thành cũng có kỳ hạn nhất định, nhưng quy chế này tại triều Khang Hi vẫn chưa nghiêm khắc, đến những năm Ung Chính mới trở thành quy định khắc khe.[17] Thông thường sau khi xuất giá, các Công chúa sẽ theo chồng về địa phương du mục, nhưng trường hợp của Khác Tĩnh Công chúa tương đối không giống, có nhiều lý do được các nhà nghiên cứu đưa ra chứng minh rằng vài năm sau khi xuất giá, Khác Tĩnh Công chúa mới chính thức đến ở Khách Nhĩ Khách.